top of page

Cây dương xỉ

Cây dương xỉ tên khoa học là Pteridophyta hay Polypodiopsida, có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Cây dương xỉ sống trong nhiều môi trường sống khác nhau, từ vùng núi cao xa xôi, đến mặt đá sa mạc khô, vùng trũng nước hay cánh đồng trống.


Tuy nhiên, cây dương xỉ được phát hiện nhiều nhất ở các khu rừng nhiệt đới cận xích đạo, các vùng núi cao, những nơi có bóng râm và ẩm ướt, ít có ánh nắng mặt trời.

Dương xỉ là cây lâu năm và xanh quanh năm, với những chiếc lá nhỏ màu xanh có khía tai bèo hoặc rìa có răng cưa nhỏ lượn tròn. Tùy vào mức độ tiếp xúc ánh sáng mà có màu lá khác nhau, tiếp xúc càng nhiều thì màu lá càng sáng.


Cây dương xỉ không có hoa, cơ quan sinh sản của cây dương xỉ là các túi bào tử nằm ở mặt dưới lá bào tử. Khi chín, các bào tử phát tán ra ngoài nhờ nước và gió, sau đó sinh trưởng thành cây mới.


Có mấy loại cây dương xỉ?

Trên thế giới hiện có hơn 12.000 loại cây dương xỉ khác nhau, từ những cây thân nhỏ với những chiếc lá nhỏ xíu cho đến những cây có kích thước khổng lồ cao hơn 12 mét. Tuy nhiên hiện nay cây dương xỉ đang có xu hướng giảm do tác động khai thác của con người.

Ở Việt Nam, cây dương xỉ có 3 loại phổ biến là dương xỉ cảnh, dương xỉ thân gỗ (dương xỉ cổ đại, dương xỉ rừng) và dương xỉ thủy sinh.


a. Dương xỉ cổ đại (dương xỉ rừng)

Đây là loại cây có tuổi đời lên tới hàng trăm năm thường mọc trong rừng sâu. Dương xỉ cổ đại có kích thước lớn, thuộc loại thân gỗ to, cao từ 1m trở lên, có cây cao lên tới 10m. Đây là loại dương xỉ có thân cây to hình trụ màu nâu đen, lá mọc rất xanh ở phần ngọn.



b. Dương xỉ cảnh

Dương xỉ cảnh là loại dương xỉ rất phổ biến, cây nhỏ dạng bụi, chỉ cao khoảng từ 30cm, hầu như không có thân, lá dương xỉ cảnh dạng lá lược, sum sê xanh mướt quanh năm.



Cây dương xỉ cảnh thường được trồng trong chậu làm cảnh trong nhà, có thể trồng tại phòng khách, ban công cửa sổ. Ngoài dùng để trang trí làm tiểu cảnh trong nhà thì cây dương xỉ cảnh còn có tác dụng tạo không gian xanh và thanh lọc không khí.


c. Dương xỉ thủy sinh

Cây dương xỉ thủy sinh là loại trồng trong các bể cảnh hay bể cá thủy sinh. Cây bám vào khúc gỗ nhỏ hoặc xen lẫn giữa các hốc đá trong điều kiện ánh sáng nhẹ, nhiệt độ 22 - 24 độ C và lượng CO2 trong nước sẽ được cây hấp thụ. Loại này có tốc độ sinh trưởng chậm với chiều dài từ 10cm - 30cm.



Cây dương xỉ có tác dụng gì

a. Tác dụng của cây dương xỉ

Cây dương xỉ có khả năng làm giảm các bức xạ từ máy tính và máy in, hấp thụ Asen cùng chất độc hại như Toluene, Xylen, Aldehyde formic giúp không gian xanh mát và không khí trong lành.

Dương xỉ còn lọc nước rất hiệu quả, khi trồng chúng trong các bể nước thủy sinh hay bể cá, ngoài công dụng tách Asen ra khỏi nguồn nước, lọc hết các chất bẩn có hại, cây còn mang đến màu xanh đầy sức sống và vẻ đẹp sang trọng.

Ngoài ra, cây dương xỉ còn là vị thuốc chữa bong gân, đau lưng, mỏi gối, bạch đới, tiêu chảy, suy yếu khí huyết, đau mỏi các khớp và là một phương thuốc cầm máu rất nhanh.

b. Cây dương xỉ có độc không

Cây dương xỉ có khả năng làm sạch đất, xử lý ô nhiễm hấp nhờ thu nhiều chất độc hại và chứa những chất độc hại này bên trong thân và lá.

Vì vậy khi tiếp xúc sẽ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người nhưng nếu dùng để ăn thì nhiều chất độc hại trong cây dương xỉ sẽ khiến cơ thể bị trúng độc và có khả năng dẫn đến ung thư.

Ý nghĩa cây dương xỉ trong phong thủy

Cây dương dương xỉ trong phong thủy tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, sự kiên định và bền bỉ, sự kiên cường và vươn lên của con người. Vì là một cây thường xanh, cây dương xỉ hợp với người mệnh mộc.

Dựa vào ngũ hành tương sinh thì mộc sinh hỏa, nên những người thuộc mệnh hỏa cũng có thể chọn trồng cây dương xỉ phong thủy để mang lại nhiều may mắn và cảm hứng sáng tạo trong công việc, cuộc sống.


Công việc chăm sóc cây mới trồng không bao giờ là dễ dàng, nhất là nếu bạn không biết chúng cần gì hoặc ưa thứ gì nhất. Dương xỉ là loại cây bụi đẹp và sinh trưởng mạnh mẽ ở môi trường ấm áp và ẩm ướt cả ngoài trời và trong nhà. Dương xỉ thì có vô số loài, nhưng nói chung thì nhu cầu của chúng đều như nhau: nước, độ ấm và bóng râm. Chỉ cần chọn đúng chỗ cho cây dương xỉ và để ý chăm sóc một chút, bạn sẽ trồng được cây dương xỉ đạt đến kích thước tối đa của nó và duy trì nhiều năm sau nữa (nghiêm túc đấy – một số loài dương xỉ có thể sống đến cả trăm năm!)


Phương pháp1 Chăm sóc cây dương xỉ trong nhà

1 Trồng cây dương xỉ trong đất tơi xốp và có hệ thống thoát nước. Khi chọn vị trí trồng dương xỉ trong nhà, bạn nên chọn chậu đất sét hoặc chậu gốm có lỗ thoát nước dưới đáy chậu. Đổ đất tơi xốp đầy nửa chậu, sau đó đổ thêm đất phủ kín rễ cây. Đảm bảo toàn bộ lá cây phải ở bên trên mặt đất để cây dễ mọc lên.[1]

  • Bạn có thể mua hỗn hợp đất trồng cây tơi xốp ở hầu hết các cửa hàng bán đồ làm vườn. Nói chung, loại đất này thường có thêm phân trộn hữu cơ hoặc phân chuồng để tạo các túi khí trong đất.

  • Khối lượng đất mà bạn cần dùng sẽ tuỳ thuộc vào kích cỡ của chậu trồng cây. Tốt hơn là bạn cứ dùng chậu rộng ngay từ đầu để không phải trồng lại nhiều lần.

  • Bạn cũng có thể trồng dương xỉ trong các chậu treo.


2 Đặt cây dương xỉ ở nơi có ánh sáng gián tiếp. Chọn một vị trí trong nhà không có nắng trực tiếp chiếu vào suốt ngày, nhưng nên gần cửa sổ để cây vẫn có thể nhận được các tia nắng mặt trời toả ra (cửa số hướng bắc thường là tốt nhất). Đặt cây ra xa cửa sổ một chút để cây không bị quá nóng.[2]

  • Nếu bạn để ý thấy lá cây dương xỉ chuyển sang màu nâu hoặc khô giòn, có lẽ là cây bị phơi nắng quá nhiều. Hãy thử chuyển cây ra khu vực khác hoặc dời ra xa cửa sổ một thời gian xem sao.


3 Đặt máy tạo ẩm gần cây dương xỉ. Dương xỉ ưa độ ẩm cao trong không khí vì đó là môi trường quen thuộc của chúng. Bạn nên đặt máy tạo ẩm cạnh cây dương xỉ để cây được giữ ẩm và tươi tốt. Điều chỉnh độ ẩm trong khoảng 30% - 50% trong nhà (dương xỉ mọc rất tốt trong độ ẩm 70% ở nơi hoang dã, nhưng điều này thường không thể đạt được ở trong nhà).[3]

  • Mặc dù đôi khi bình phun sương cũng được khuyên dùng, nhưng sử dụng máy tạo ẩm vẫn dễ hơn và có hiệu quả hơn nhiều.


4 Duy trì nhiệt độ trong khoảng 16 -22 độ C. Hầu hết dương xỉ trồng trong nhà đều thuộc loài cây nhiệt đới, tuy rằng không phải tất cả đều đòi hỏi khí hậu nhiệt đới. Hãy đảm bảo nhiệt độ trong nhà (ít ra là trong phòng đặt cây dương xỉ) có nhiệt độ xấp xỉ 21 độ C vào ban ngày và 16 độ C ban đêm. Dương xỉ sẽ không sinh trưởng tốt trong điều kiện ở dưới mức nhiệt này, vậy nên bạn cứ tăng nhiệt độ lên nếu không chắc chắn.[4]

  • Cân nhắc đặt cây dương xỉ cạnh cửa sổ trong phòng tắm để cây được ở trong môi trường vừa ấm vừa ẩm mà không phải tốn nhiều công chăm sóc.


5 Tưới cây khi mặt đất khô. Dương xỉ vừa thích không khí ẩm vừa ưa đất ẩm. Bạn cần giữ cho mặt đất trồng cây luôn ẩm (nhưng không sũng nước). Tưới kỹ sao cho đất ướt và nước có thể chạm đến rễ cây.[5]

  • Luôn luôn dùng nước hơi ấm hoặc nước có nhiệt độ phòng, không dùng nước lạnh. Nước lạnh có thể khiến rễ cây dương xỉ bị sốc, vì chúng chỉ quen với môi trường ấm áp của vùng nhiệt đới.

  • Nếu bạn sống trong môi trường khô, hãy đặt chậu cây trong đĩa đựng đá cuội và nước. Phun sương thường xuyên để tạo thêm độ ẩm cho cây dương xỉ.


6 Bón phân nước cho cây mỗi tháng một lần, từ tháng 4 đến tháng 9. Dương xỉ không cần phải bón phân thường xuyên; thực ra chúng có thể bị chết nếu bạn bón phân quá nhiều. Bạn nên pha nước với phân bón nước dành cho cây trồng trong nhà để giảm nồng độ còn một nửa, sau đó rót vào đất mỗi tháng một lần trong suốt mùa tăng trưởng của cây.[6]

  • Phân bón dành cho cây trồng trong nhà giàu ni tơ, kali và phốt pho, vốn là các dưỡng chất cần thiết cho cây dương xỉ phát triển.

  • Bạn cũng có thể dùng đạm cá thay cho phân bón.


7 Loại bỏ các cành lá chết. Dương xỉ trồng trong nhà có thể bị nhiễm một số bệnh, nhưng chúng thường rất cứng cỏi và không dễ chết. Nếu thấy lá cây chuyển sang màu nâu hoặc tàn lụi, bạn hãy dùng kéo tỉa cây cầm tay cắt bỏ những phần cây bị hư hại. Nếu cây bắt đầu lụi vì thiếu chăm sóc, bạn cũng có thể dùng kìm cắt cây để xử lý tương tự. Nếu toàn bộ cây đều có màu nâu và giòn thì tốt nhất là bạn nên bỏ đi trước khi nó lan sang các cây khác trong nhà.[7]

  • Bạn sẽ biết lá cây dương xỉ bắt đầu chết khi chúng chuyển màu nâu hoặc quăn lại.


8 Thay chậu cho cây dương xỉ sau vài năm. Cứ sau 1-2 năm, bạn nên chọn chậu mới lớn hơn chậu đang trồng để trồng lại cây. Lật ngược chậu cây và cẩn thận gõ vào bề mặt cứng để lấy cây ra, sau đó trồng lại ngay vào chậu mới.[8]

  • Dương xỉ có tốc độ phát triển khác nhau tuỳ từng loài. Nói chung, cây dương xỉ mới trồng sẽ phải trồng lại sau 6 tháng đến 1 năm.


Phương pháp2 Chăm sóc cây dương xỉ trồng ngoài trời


1 Trồng dương xỉ ở nơi có bóng râm toàn phần hoặc một phần. Dương xỉ phát triển mạnh trong môi trường có bóng râm, nơi mà cây nhận được vừa đủ ánh sáng mặt trời xuyên qua tán cây. Nếu trồng dương xỉ trong vườn, bạn nên chọn vị trí tương đối râm mát trong cả ngày để cây không bị cháy nắng.[9]

  • Nếu cây đã mọc sẵn trong vườn, có lẽ bạn không cần chuyển ra nơi khác.

  • Dương xỉ là loại thực vật rất phù hợp để trồng trên sườn dốc với mục đích phòng chống xói mòn đất. Dương xỉ có thể sống đến hàng chục năm với bộ rễ cắm sâu vào đất, do đó cây sẽ vẫn mọc quanh đó rất lâu.


2 Tưới cây 1-2 lần mỗi tuần nếu trời không mưa. Dương xỉ cần độ ẩm thường xuyên, và chúng có thể tự sống trong vùng khí hậu ẩm ướt. Tuy nhiên, nếu trời không mưa, bạn cần tưới cho cây mỗi tuần 1-2 lần để cây sống khoẻ mạnh. Tưới nước vào rễ cây, không tưới lên lá để tránh làm hư hại cây.[10]

  • Nếu bạn trồng dương xỉ trong vùng ôn đới hoặc vùng rừng mưa nhiệt đới, nó có thể tự sống sót mà không cần tưới.


3 Cắt bỏ các lá hỏng. Dương xỉ không có nhiều kẻ thù tự nhiên, ngoại trừ sên trần và một vài bệnh hiếm hoi. Tuy nhiên, nếu thấy có lá cây héo úa hoặc bị bệnh, bạn hãy dùng kéo tỉa cây cắt bỏ. Như vậy, bạn sẽ giữ cho phần còn lại của cây không bị hư hại, và nếu cây có bệnh thì cũng ngăn ngừa bệnh lan sang các cây khác.[11]

4 Tách cây dương xỉ nếu bạn muốn trồng cây mới ở nơi khác. Dương xỉ có thể mọc thành bụi lớn. Để tách thành nhiều cây dương xỉ nhỏ hơn, bạn sẽ đào cả cây và rễ lên, sau đó đem trồng từng phần vào các vị trí khác cách xa nhau trong vườn để chúng có đủ không gian sinh trưởng.[12]

  • Thời điểm tốt nhất để tách khóm và trồng lại dương xỉ ngoài trời là sau đợt sương giá đầu tiên (thường là vào tháng 10 hoặc 11).


Nguồn : internet / Tổng hợp : KTS.Phạm Duy





27 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page