top of page

Băng cản nước

Updated: Nov 17, 2022

1. Băng cản nước là gì?

Băng cản nước có nhiều tên gọi như: thanh cản nước, tấm chắn nước, màng ngăn cản nước hoặc waterstop, waterbar trong tiếng Anh.

Băng cản nước là sản phẩm ngăn chặn nước thấm qua khe co giãn và qua mạch ngừng trong kết cấu bê tông. Với hình dáng băng dài có kích thước bề ngang khoảng 20cm và chiều dài có thể lên tới 20m. Trên bề mặt thường có những đường gai (gân) để gia tăng độ bám dính khi thi công. Được làm từ nhựa PVC nguyên chất hoặc hóa dẻo. Có tính chịu nhiệt và đàn hồi cao.

2. Công dụng của băng cản nước

Băng cản nước có công dụng chống thấm, ngăn không cho nước thấm qua các khe co giãn và qua mạch ngừng trong các kết cấu bê tông. Được sử dụng trong quá trình thi công tầng hầm, bể chứa nước, hồ bơi, tường chắn, hố thang máy, cống và đường hầm,…



Ngoài ra, băng cản nước còn có một số công dụng khác:

Hỗ trợ đơn giản hóa quá trình thi công các tấm bê tông lớn, kích thước phức tạp. Giúp việc thi công đạt hiệu quả cao hơn.

Giảm tình trạng co ngót, thủy hóa xi măng khi thi công các mảng bê tông lớn. Tránh hiện tượng làm nứt bê tông.

Tiết kiệm chi phí nhờ hạn chế trong việc sử dụng quá nhiều cốt pha.

3. Ưu điểm của băng cản nước

Có khả năng trám kín hiệu quả ngay khi bê tông bắt đầu đóng rắn.

Ngăn chặn sự xâm nhập của nước tốt nhờ bề mặt có nhiều gai (gân).

Dễ dàng hàn nối tại công trường bằng dao hàn điện.

Tính kháng hóa chất tốt.

Đa dạng hình dáng phù hợp với những khe nối khác nhau.

4. Các loại băng cản nước trên thị trường

Phân loại theo đặc tính sản phẩm:

Băng cản nước có nhiều loại nhằm đáp ứng những yêu cầu chống thấm khác nhau của mỗi công trình.

1/ Băng cản nước dạng V – dùng cho mạch ngừng

a/ Băng cản nước PVC Waterstop V200

Là loại băng cản nước được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Làm từ 100% nhựa PVC nguyên sinh không tạp chất. Có tính đàn hồi và chịu nhiệt tốt, công dụng chủ yếu để chống thấm tại các vị trí mạch ngừng thi công.



Ứng dụng: dùng trong các công trình hồ chứa nước, đập nước, hồ bơi, chống thấm tầng hầm, sàn mái, nhà vệ sinh,…

Ưu điểm: trám kín hiệu quả ngay cả khi bê tông đã bắt đầu đóng rắn. Khả năng ngăn chặn sự xâm nhập của nước rất hiệu quả nhờ bề mặt có nhiều gai (gân). Dễ thi công, độ bền cao, kháng hóa chất và chi phí rẻ.

Kích thước: rộng 20cm, dài 20m.

b/ Băng cản nước PVC Waterstop V250

Là loại băng cản nước làm từ nhựa PVC cao cấp không tạp chất. Công dụng chủ yếu là bịt kín khe giãn nở, khe nối xây dựng bê tông, chống thấm và rò rỉ nước qua các kết cấu bê tông của công trình.

Ứng dụng: dùng trong các công trình hồ chứa nước, đập nước, cống nước, kênh, đập, đường hầm, đê điều,…

Ưu điểm: đặt được ở giữa và bên ngoài bê tông. Trọng lượng nhẹ, tính đàn hồi tốt, độ cứng cao, tuổi thọ lên đến hàng chục năm, chống thấm hoàn hảo. Thi công dễ dàng, kháng hóa chất tan trong nước, kháng kiềm và ozon. Không chất độc hại và rất an toàn.

Kích thước: có 2 loại, cuộn dài 15m và cuộn dài 20m

2/ Băng cản nước dạng O – dùng cho khe co giãn

a/ Băng cản nước PVC O200

Làm từ nhựa PVC hóa dẻo. Công dụng chủ yếu ngăn nước thấm qua khe co giãn và các mạch ngừng của kết cấu bê tông.



Ứng dụng: sử dụng trong các công trình thủy lợi, cầu cống, đập nước, đê điều, bể nước ngầm, nhà máy xử lý nước,…

Ưu điểm: độ bền cao, kháng hóa chất. Chịu được sự xâm nhập của kiềm, ozon và oxy. Khối lượng nhẹ, dẻo và dễ dàng thi công. Không gây độc hại cho người sử dụng.

Kích thước: cuộn dài 20m.

b/ Băng cản nước cao su O250

Là loại băng cản nước được làm từ cao su hóa dẻo. Công dụng chính là chống thấm mạch ngừng và các khe co giãn trong kết cấu bê tông.

Ứng dụng: sử dụng trong các công trình kênh đập, nhà máy xử lý nước, hồ bơi, tầng hầm,…

Ưu điểm: độ bền cao, tuổi thọ lên đến hàng chục năm. Độ dẻo cao, khối lượng nhẹ, dễ dàng thi công. Kháng hóa chất và chịu mài mòn tốt. Là loại băng cản nước có giá thành rẻ nhất.

Phân loại theo thương hiệu

1/ Băng Cản Nước Quicseal 703



Là loại băng cản nước có độ bền, độ kéo căng cao. Có hiệu suất giãn dài để ngăn chặn sự xâm nhập của nước cho kết cấu công trình giữ nước (hồ bơi, bể chứa,…) và công trình không giữ nước (tầng hầm, tường chắn,…)

2/ Băng Cản Nước Vinkems Waterstop



Là loại băng cản nước có tính dẻo, bền, kháng mài mòn và hóa chất. Được thiết kế dành cho các công trình có cấu trúc thủy lực phải chịu áp lực nước thường xuyên.

3/ Băng Cản Nước Bestmix



Là loại băng cản nước có tính đàn hồi, chịu nhiệt, chống lão hóa. Được dùng để chống thấm cho các mạch ngừng, khe co giãn,… của các kết cấu xây dựng.

4/ Băng Cản Nước Sika



Là loại băng cản nước có tính chịu nhiệt, đàn hồi nhằm mục đích chống thấm mạch ngừng và khe co giãn.

5/ Băng cản nước PVC

Có đặc tính chịu nhiệt, đàn hồi và dùng để ngăn chặn nước thấm qua khe co giãn.

5. Một số tiêu chuẩn băng cản nước cần lưu ý khi mua

Để chọn mua được loại băng cản nước đảm bảo chất lượng bạn cần quan tâm đến các thông số sau:

Khối lượng riêng của băng cản nước: thông số này phải nhỏ hơn 1.4 g/cm3

Độ cứng của băng cản nước: độ cứng yêu cầu Shore A >= 65

Cường độ chịu kéo của băng cản nước: đạt chuẩn tối thiểu là 11.8 MPA.

Độ giãn dài khi bị đứt của băng cản nước: tối thiểu là 250%.

Nhiệt độ hàn và nối khi thi công băng cản nước ≥ 200 độ

Nhiệt độ khi thi công băng cản nước dao động – 50 ÷ 55

Khả năng kháng kiềm của băng cản nước theo tiêu chuẩn ISO 175:1999

6. Quy trình thi công băng cản nước

Thực hiện thi công đúng yêu cầu kỹ thuật sẽ mang đến hiệu quả chống thấm cao nhất.

Bước 1: Định vị băng cản nước vào ván khuôn

Băng cản nước dạng V: được giữ chặt giữa các ván khuôn, 1 nửa băng cản nước sẽ nhô ra ngoài, nửa còn lại sẽ bị đổ bê tông.

Băng cản nước dạng O: sử dụng ván khuôn 2 phần tách ra. Phần chữ O không được lấp vào bê tông khi thi công băng cản nước cho khe co giãn.

Bước 2: Gắn vào cốt thép

Sử dụng dây thép (dây kim loại) để cố định các lỗ nhỏ trên băng cản nước vào khung cốt thép. Mục đích giúp băng cản nước không xê dịch trong quá trình đổ bê tông. Sẽ có 3 điểm cố định trên 1m băng cản nước.

Bước 3: Đổ bê tông giai đoạn 1

Trong giai đoạn này bê tông chỉ ngậm một nửa chiều rộng của băng cản nước. Nhưng phải đảm bảo bê tông đều cả 2 mặt. Tránh trường hợp áp lực bê tông 2 bên không đồng đều khiến cho phần mép bị gập lại.

Bê tông phải được đầm kỹ tránh bị rỗ tổ ong. Và đặc biệt không được quá dẻo hoặc quá cứng, độ sệt vừa phải và cỡ hạt cốt liệu thành phần phải thích hợp.



Bước 4: Đổ bê tông giai đoạn 2



Quy trình thi công thực hiện như ở lần đổ bê tông ở giai đoạn 1. Tuy nhiên cần lưu ý 1 vài điểm sau:

Kiểm tra kỹ không để bê tông bị rỗ tổ ong ở điểm dừng, nếu có thì phải khắc phục ngay.

Làm sạch bề mặt waterstop tránh để bê tông ở lần đổ 1 còn bám dính.

Tháo dỡ ván khuôn chung quanh waterbar một cách thận trọng.

Bước 5: Hàn nối 2 đầu băng cản nước



1/ Hàn đối đầu

Làm nóng đồng thời 2 đầu của mối hàn bằng dao hàn điện. Đến khi lớp băng cản nước nóng chảy đều thì lấy dao ra. Sau đó ép chặt mối nối vào, giữ chặt cho đến khi nguội và dính chặt vào nhau.

2/ Hàn chồng mép

Cắt vuông góc 2 cạnh nối. Đặt 2 cạnh nối trên 1 mặt phẳng.

Chờ dao hàn điện đạt đến nhiệt độ đủ nóng chảy. Đưa lưỡi dao vào 2 cạnh của mối hàn và ép sát vào mặt dao. Chờ 2 cạnh nóng chảy khoảng 5mm mỗi bên (khoảng 60s).

Rút dao hàn ra và ép chặt 2 cạnh nối dính lại với nhau. Chờ vết hàn nguội đi là hoàn thành (khoảng 3 phút).


( Dao nhiệt dùng để hàn băng cản nước )

7. Một số lưu ý khi thi công băng cản nước

  • Băng cản nước chỉ đạt hiệu quả khi 2 mặt của nó được áp sát và ngập sâu trong bê tông. Đây là điểm cực kỳ quan trọng phải đặc biệt lưu ý, vì nếu không sẽ không phát huy được tác dụng chống thấm.

  • Cần kiểm tra thực kỹ tránh trường hợp băng cản nước bị gãy, gập hoặc di chuyển trong quá trình đổ bê tông.

  • Đảm bảo các mối hàn băng cản nước được thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, độ kết nối đủ chặt tránh trường hợp bị hở hoặc tách rời.

  • Sử dụng cốt pha có thể tháo lắp để dễ dàng trong công tác thi công.

  • Không nên làm cốt pha cao hơn 4m để tránh rỗ mặt ngoài bê tông

Nguồn : internet / Tổng hợp : KTS.Phạm Duy

8 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page