top of page

Quy trình thi công sơn tường

Updated: Nov 17, 2022

Bước 1: Xử lý bề mặt

Đối với tường mới thì việc xử lý bề mặt không có gì khó khăn. Các bước xử lý bề mặt chủ yếu chú trọng đến độ mịn và độ ẩm đạt tiêu chuẩn là có thể tiến hành sơn.



Cụ thể, bề mặt sơn tường mới cần được xử lý như sau:

  • Dùng giấy nhám hoặc đá mài để vệ sinh bề mặt, loại bỏ những phần xi măng thô cứng, để bề mặt bớt gồ ghề hơn.

  • Sau đó, bạn dùng giấy nhám vải để chà bề mặt, giúp bề mặt nhẵn mịn hơn.

  • Để tường khô ráo và đạt độ ẩm tiêu chuẩn. Nếu tường quá khô, sử dụng vải ẩm để tăng độ ẩm cho tường. Bạn có thể tham khảo độ ẩm tiêu chuẩn theo các thang đo sau:

< 16% bằng máy đo độ ẩm Protimeter Mini BLD 2000; hoặc < 60% bằng máy đo độ ẩm Lutron MS-7003


Khác với bề mặt tường mới, tường cũ cần được xử lý kỹ càng để loại bỏ các tạp chất trên bề mặt. Đối với mỗi loại tạp chất trên bề mặt, cần có những cách giải quyết khác nhau:

  • Bề mặt chứa chất dơ, chứa bột: Làm sạch bằng nước với áp lực cao. Chất tẩy nhẹ cũng có thể được sử dụng. Nếu bề mặt có nhiều bột, nên sơn hai lớp sơn lót chống kiềm sau khi làm sạch bề mặt.

  • Bề mặt chứa màng sơn cũ/vữa xi măng/bột trét: Tẩy sạch chúng bằng các dụng cụ đục, cạo, máy chà xát hoặc dụng cụ thích hợp. Bề mặt không bằng phẳng nên được trét lại bằng loại bột trét thích hợp.

  • Bề mặt chứa rêu/nấm: Tẩy sạch bằng nước với áp lực cao hoặc bằng dụng cụ đục, cạo. Bên cạnh đó cũng cần xử lý bằng dung dịch chống rêu, nấm. Sau khi đã xử lý xong, rửa lại bề mặt bằng nước sạch và để khô.

  • Bề mặt chứa dầu mỡ: Tẩy sạch bằng chất tẩy nhẹ và 1 ít dung môi nếu cần thiết. Rửa lại thật kỹ để tẩy tất cả mọi vết bẩn.



Sau khi xử lý xong, cần đảm bảo bề mặt tường đạt độ ẩm tiêu chuẩn trước khi tiến hành sơn các bước tiếp theo. Bạn nên sử dụng thiết bị đo độ ẩm để có hiệu quả tốt nhất: < 16% bằng máy đo độ ẩm Protimeter Mini BLD 2000; hoặc < 60% bằng máy đo độ ẩm Lutron MS-7003

Bước 2: Thi công sơn chống thấm

Với điều kiện thời tiết có độ ẩm cao như khí hậu Việt Nam, sơn chống thấm là bước thi công cần thiết giúp đảm bảo bề mặt sơn không bị thấm nước. Từ đó, sẽ tránh được tình trạng ẩm mốc, bong tróc lớp sơn bên ngoài.

Trước hết, cần pha sơn chống thấm theo tỉ lệ mà nhà sản xuất hướng dẫn, thông thường là theo tỉ lệ: 0.5 Lít nước : 1 Kg xi măng trắng/thường : 1 Kg CHỐNG THẤM;



Trộn xi-măng vào nước, khuấy đều cho hết vón cục, sau đó trộn với sơn chống thấm và khuấy lại cho thật đều. Hỗn hợp đã trộn nên sử dụng trong vòng 2 giờ, sau thời gian này sản phẩm sẽ có xu hướng đông cứng. Khuấy kỹ trước khi thi công.

Sau khi bề mặt được xử lý sạch sẽ và đạt độ ẩm tiêu chuẩn, tiến hành sơn chống thấm bằng cọ quét hoặc con lăn. Lần lượt thi công 2-3 lớp chống thấm. Mỗi lần sơn cách nhau khoảng 2 tiếng để lớp sơn đầu khô hẳn rồi mới tiến hành lớp tiếp theo.

Bước 3: Trét 2-3 lớp bột trét

Để màng sơn được phẳng mịn hơn, bạn cần sử dụng thêm bột trét tường. Trước hết, cần pha bột trét tường như sau: Sử dụng máy trộn hoặc dụng cụ khuấy trộn thích hợp để trộn 1 bao bột trét (40kg) với khoảng 14-16 lít nước sạch. Lưu ý, nên đổ bột vào nước, không nên đổ nước vào bột để tránh vón cục.



Sau khi lớp sơn chống thấm đã khô và bề mặt đạt độ ẩm tiêu chuẩn, dùng dao trét để trét hỗn hợp lên tường với độ dày khoảng 1mm. Lớp thứ nhất khô trong 16 giờ thì tiến hành trét lớp thứ hai.



Bước 4: Sơn lót

Sơn lót là lớp sơn quan trọng giúp tăng độ bám dính của màng sơn, kháng kiềm để tránh việc bề mặt sơn dễ xuống cấp do chất hóa học trong xi măng gây ra. Nhờ đây mà bề mặt sơn luôn bền đẹp theo thời gian.



Sau khi lớp bột trét đã khô và tường đạt độ ẩm phù hợp, tiến hành dùng cọ quét, con lăn hoặc súng phun không có khí để sơn lót.


Bước 5: Sơn phủ

Đây là lớp sơn cần thiết có vai trò làm đẹp cho không gian, đồng thời là lớp màng bảo vệ cho toàn bộ bề mặt tường.



Dùng cọ quét, con lăn hoặc súng phun không có khí để sơn phủ. Bạn cần sơn 2 lớp sơn phủ để đảm bảo màu sơn được đều và và khó phai màu.


Nguồn : internet / Tổng hợp : KTS.Phạm Duy

3 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page