top of page

Hoa cẩm tú cầu

Updated: Nov 17, 2022

Hoa cẩm tú cầu (Hydrangea) là một trong những loài hoa được rất nhiều người yêu thích. Cẩm tú cầu là loài hoa xinh đẹp, tao nhã, dễ trồng, có khả năng chịu được hầu hết mọi loại đất và cho ra hoa nhiều.



Cách trồng hoa cẩm tú cầu

Thời gian trồng

Bạn nên trồng hoa cẩm tú cầu vào mùa thu hoặc đầu mùa xuân vì cẩm tú cầu là loài hoa không ưa nóng mà phù hợp với thời tiết mát mẻ hơn. Thời gian trong ngày thích hợp nhất để trồng cẩm tú cầu là vào sáng sớm hoặc chiều mát.



Yêu cầu về đất trồng

Hầu hết các loại hoa cẩm tú cầu đều phát triển rất mạnh mẽ khi được trồng tại những nơi có đất màu mỡ, thoát nước tốt và độ ẩm cao. Nếu đất trồng hoặc đất vườn nhà bạn nghèo chất dinh dưỡng thì cần bổ sung thêm phân hữu cơ hoại mục cho đất trước khi trồng. Các bạn cũng lưu ý là hoa cẩm tú cầu không thể sống và phát triển trong đất bị đọng nước, vì vậy, bạn hãy đảm bảo đất trồng có độ thoát nước thật tốt trước khi trồng nhé.

Nhiệt độ và ánh sáng

Hoa cẩm tú cầu là loài hoa ưa thời tiết se lạnh và mát mẻ, do vậy, ở Việt Nam, cẩm tú cầu thường được trồng nhiều nhất tại Đà Lạt, Sapa, Tam Đảo... Cung cấp ánh nắng vào buổi sáng và để cây ở trong bóng râm một phần từ buổi trưa đến cuối buổi chiều là cách lý tưởng để hỗ trợ hoa cẩm tú cầu phát triển ra hoa đẹp nhất. Các bạn chú ý tránh để cây hoa cẩm tú cầu (đặc biệt là cây con) trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời gắt vào mùa hè nhé.

Cách trồng hoa cẩm tú cầu

Bạn có thể trồng cây cẩm tú cầu bằng cách ươm hạt hoặc bằng nhánh đều được. Phương pháp trồng bằng nhánh cũng là cách nhân giống cẩm tú cầu được nhiều người áp dụng. Các bước trồng cây cẩm tú cầu bằng cách giâm cành được thực hiện như sau:

  • Cắt đoạn: Bạn hãy chọn nhánh cẩm tú cầu có nhiều búp, có vỏ đã ngả sang màu gỗ, chọn cành to khỏe và lá tươi tốt. Sau đó, bạn hãy cắt cành dài khoảng 30cm đến 40cm. Sau khi cắt cành thì bạn đem ngâm cành trong nước khoảng vài giờ để kích thích cành mau ra rễ. Tiếp theo, bạn hãy đem cành cẩm tú cầu cắm vào đất trồng ẩm đã chuẩn bị.

  • Cố định cành giâm: Bạn hãy dùng một cây cọc buộc cố định cành cẩm tú cầu lại để tránh cành bị lung lay hoặc đổ xuống. Sau khi cố định cành xong, bạn đem chậu giâm cành để vào chỗ có nắng nhẹ.

  • Trồng cây con: Sau khi thấy cành giâm mọc chồi mới, bạn hãy đợi cho đến khi cây đâm lá non và phát triển khỏe mạnh thì hãy bứng cây con ra rồi trồng vào một chậu mới rộng rãi hơn hoặc mang ra trồng ở ngoài vườn.

Cách chăm sóc hoa cẩm tú cầu ra hoa đẹp nhất



Tưới nước

Tưới nước đầy đủ cho cẩm tú cầu là yêu cầu cần thiết để giúp cây phát triển tốt. Bạn cần tưới nước cho cây cẩm tú cầu thường xuyên. Khi bạn thấy lá cây có dấu hiệu héo rũ thì phải lập tức tưới nước ngay để cây có thể hồi sức, đồng thời không ảnh hưởng tới khả năng ra hoa của cây.

Vào mùa khô, các bạn tưới cho cây nhiều nước hơn để tránh rễ cây cẩm tú cầu bị thiếu nước. Thời gian tưới nước cho cẩm tú cầu tốt nhất là vào buổi sáng để cây có thể chống chọi với cái nóng trong ngày và phòng tránh được bệnh tật gây hại. Tuy nhiên, các bạn chú ý tưới làm sao để nước không đọng trên bề mặt của chậu trồng nhé.

Bón phân

Nếu bạn đã chuẩn bị đất trồng giàu dinh dưỡng trước khi trồng cẩm tú cầu thì bạn có thể không cần phải bón thêm phân cho cây nữa. Bởi vì, quá nhiều phân bón sẽ khiến lá cây phát triển nhanh hơn và làm giảm khả năng ra hoa của cây. Bạn cũng có thể bổ sung thêm một lớp phân hữu cơ bên dưới cây hoa cẩm tú cầu để giúp đất trồng ẩm và mát mẻ, đồng thời giúp bổ sung chất dinh dưỡng cho cây và cải thiện kết cấu của đất trồng.

Cắt tỉa hoa cẩm tú

Nếu bạn không cắt tỉa hoặc cắt tỉa muộn cẩm tú cầu thì có thể cây sẽ không có hoa trong năm đó. Vì vậy, bạn nên cắt tỉa cẩm tú cầu muộn nhất là vào cuối mùa đông để cây tạo ra các chồi mới vào mùa xuân và sẽ cho ra hoa.

Nếu bạn thấy cành cẩm tú nào cao quá thì hãy cắt từ đốt thứ 6 tính từ gốc đến chồi hoa là được, hoặc tùy vào chiều cao của cây mà bạn hãy cắt tỉa sao cho phù hợp. Tuy nhiên, các bạn cũng lưu ý không nên cắt tỉa cành nhiều quá vì có thể sang năm cây cẩm tú cầu sẽ cho ra ít hoa hơn. Bạn cũng có thể cắt một hoặc hai thân già nhất của cây để khuyến khích cây phân nhánh và phát triển hơn.

Phòng trừ sâu bệnh

Hoa cẩm tú cầu rất ít khi bị sâu bệnh, tuy nhiên, chúng có thể nhiễm bệnh khi cây bị còi cọc và thiếu chất dinh dưỡng. Vì vậy, cách phòng chống sâu bệnh gây hại tốt nhất cho cẩm tú cầu là bằng cách chọn giống cây trồng khỏe mạnh và có khả năng kháng bệnh.

Một số bệnh thường gặp trên hoa cẩm tú cầu là bệnh phấn trắng, đốm lá và héo lá. Các loài côn trùng gây hại phổ biến cho cây hoa cẩm tú cầu bao gồm rệp và ve nhện đỏ. Khi cây bị bệnh, bạn hãy đến các cửa hàng bán cây cảnh để mua thuốc đặc trị cho hoa cẩm tú cầu để xịt cho cây nhé.


Cách đổi màu hoa cẩm tú cầu



Một điều thú vị về hoa cẩm tú cầu là chúng có thể đổi màu từ xanh lam đậm cho đến màu hồng đậm tùy thuộc vào độ pH của đất trồng. Nếu muốn đổi màu cho hoa cẩm tú cầu thì bạn có thể áp dụng những kỹ thuật đơn giản sau đây:

  • Để hoa cẩm tú cầu có màu xanh lam đậm hơn thì bạn có thể tăng độ chua của đất trồng (giảm độ pH của đất) từ 5,5 hoặc thấp hơn một chút.

  • Để hoa cẩm tú cầu có màu tím hồng đến hồng đậm thì bạn có thể tăng độ kiềm của đất trồng (tăng độ pH của đất) từ 6,5 đến 7.



Lưu ý khi trồng hoa cẩm tú cầu


Cây hoa cẩm tú cầu là loài cây có chứa độc tố và tất cả các bộ phận của cây đều chứa độc tố. Độc tố của hoa cẩm tú cầu có thể gây ngộ độc ở người khi chẳng may ăn phải chúng.

Lá và củ của cây hoa cẩm tú cầu có chứa chất hydragin-cyanogenic glycoside, khi ăn phải sẽ gây nôn mửa, thở gấp, tiêu chảy. Nếu ăn nhiều và không kịp thời phát hiện sớm thì có thể gây hôn mê, rối loạn tuần hoàn máu và những hậu quả khó lường khác. Đặc biệt, phấn hoa của hoa cẩm tú cầu cũng có thể gây dị ứng.

Vì vậy, trước khi trồng cây hoa cẩm tú cầu, bạn nên tìm hiểu thật kỹ nhé. Đặc biệt, nếu nhà bạn có trẻ nhỏ thì không nên trồng hoa cẩm tú cầu.


Nguồn : internet / Tổng hợp : KTS.Phạm Duy

23 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page