top of page

Cỏ nhung Nhật

Updated: Nov 17, 2022

Cỏ nhật là một trong những loại cỏ trang trí nền đẹp nhất, sang trọng nhất trong tất cả các loại cỏ công trình thường dùng.



Cỏ nhật còn có các tên gọi khác như: cỏ nhung, cỏ nhung nhật.

Tên khoa học: Zoysia tenuifolia.

Nguồn gốc: Nhật bản

Đặc điểm của cỏ nhật (cỏ nhung)

Đặc điểm hình thái cỏ nhật

Cỏ nhật (hay cỏ nhung, cỏ nhung nhật) là cây trang trí trồng nền, dạng thảm. Thảm cỏ nhật có màu xanh sáng, rất mịn tạo cho không gian như được nới rộng hơn, thoáng đãng, tươi vui hơn.

Thân cỏ nhật rất nhỏ, ngắn và dai hơn nhiều so với cỏ lá tre và cỏ lá gừng thái, cành mọc bò sát mặt đất giúp cho thảm cỏ bằng phẳng tự nhiên. Lá cỏ nhật nhỏ, dài từ 3-5cm, lá mềm và mọc so le.

Hoa cỏ nhật mọc thành từng cụm nhỏ, dạng bông kéo dài 2-3cm.

Quả thuộc loại quả thóc.



Đặc điểm sinh thái cỏ nhật

Cỏ nhật (cỏ nhung) là loại ưa nắng toàn phần, khả năng chịu bóng kém. So với cỏ lá tre và cỏ lá gừng thái thì cỏ nhật chịu bóng kém hơn hai loại cỏ này. Do đó nên lựa chọn khu vực nhiều ánh nắng để trồng cỏ nhật (hay cỏ nhung).

Cỏ nhật có xu hướng mọc ngang hơn là phát triển về chiều cao, thân thường bò sát mặt đất tạo thành thảm cỏ dầy và mịn. Khi đi chân trần trên thảm cỏ nhật bạn sẽ có cảm giác rất thoải mái, êm dễ chịu dưới lòng bàn chân. Khi trồng cỏ nhật (cỏ nhung) trong sân vườn hay trong công viên bạn sẽ có thảm thực vật dầy, mềm, êm ái, là nơi vui chơi cho gia đình, nơi chạy nhảy vui đùa cho các bé cực kỳ lý tưởng, sảng khoái.

Nhờ có các đặc điểm như vậy nên tạo sự khác biệt cỏ nhật so với các loại cỏ khác. Giá cỏ nhật cũng thường cao hơn các loại cỏ khác chuyên trồng cho công trình.

Các khu vực thường trồng cỏ nhật

Đặc điểm cỏ nhật có màu xanh tươi, đẹp sang trọng nên các vị trí trồng cỏ nhật thường là các khu vực quan trọng, các khu vực cảnh quan có tính thẩm mỹ cao như xung quanh các tượng đài, lăng Bác, mặt tiền sảnh các tòa nhà, sân golf, sân vườn, biệt thự ... Trong công viên cỏ nhật (hay cỏ nhung) thường được trồng trên đồi tiểu cảnh để tạo điểm nhấn.



Kỹ thuật trồng và chăm sóc cỏ nhật (cỏ nhung)

So với các loại cỏ khác thì kỹ thuật chăm sóc cỏ nhật khó hơn và đòi hỏi công tác chăm sóc tỉ mỉ hơn. Thảm cỏ đẹp thì đòi hỏi kỹ thuật cao, không thể tự nhiên mà đẹp được.

Phương pháp trồng cỏ nhật có hai phương pháp trồng. Những bước đầu tiên cho công tác chuẩn bị giống nhau cho tất cả các loại cỏ công trình, mình xin phép không trình bày lại ở đây nữa mà các bạn vui lòng theo dõi ở các bài viết trước của Cây Xanh Thành Phố nhé.

Trồng cỏ nhật bằng phương pháp trồng xé

Cách làm chung: Xé cỏ nhật thành các miếng nhỏ rồi trồng.

Các bước thực hiện như sau:

Bước 1, 2, 3 gồm xử lý cỏ dại, làm mặt bằng, bổ sung đất màu trồng cỏ.

Bước 4: Kỹ thuật trồng cỏ nhật bằng phương pháp trồng xé

Đầu tiên rải một lớp tro trấu mỏng lên bề mặt diện tích trồng cỏ, do rễ cỏ nhật nhỏ và cỏ giống khi đưa ra công trường có rễ ngắn nên không cần trộn thêm xơ dừa để rải, mục đích để khi mình đầm rễ cỏ dễ dính xuống đất hơn.

Xé cỏ nhật thành từng miếng nhỏ đều nhau, kích thước mỗi miếng khoảng 5cm*5cm.

Gián cỏ nhật lên diện tích mới rải tro trấu, khoảng cách giữa các miếng cỏ từ 3-4 cm là đẹp nhất, bạn có thể gián thưa hơn nhưng không nên gián quá sát nhau, vì khi gián các miếng sát nhau, cỏ không có khoảng trống phát triển bò lan ra đất chúng sẽ tự đẩy nhau phát triển thành từng ụ nhô cao lên, thảm cỏ sẽ bị lồi lõm không được bằng phẳng nhìn mất thẩm mỹ.

Khi gián xong cỏ nhật trên toàn bộ diện tích cần trồng, tiếp theo rải một lớp tro trấu phủ lên trên cỏ, ở bước này bạn cỏ thể rải thêm xơ dừa nhưng phải loại mụn dừa sẽ càng tốt hơn cho cỏ nhé.

Tưới đẫm toàn bộ diện tích cỏ mới trồng, dùng đầm gỗ có lót mút hoặc lót bao tải khỏi dập cỏ, đầm toàn bộ diện tích cỏ mới trồng để rễ cỏ dính xuống đất.

Mỗi bao cỏ nhật trồng xé thường trồng được 3-4m2.

Thực hiện tưới nước thường xuyên, giữa ẩm đất cho cỏ nhật khoảng 10-15 ngày đầu tiên. Lưu ý khi trồng vào mùa hè có nhiệt độ cao, ngoài giữ ẩm đất phải giữ ẩm thân và lá thường xuyên bằng cách chia số lần tưới làm nhiều lần trong ngày. Nếu không cỏ sẽ bị cháy, táp lá do cây bị đốt nóng.

Trồng cỏ nhật (cỏ nhung) bằng phương pháp rải thảm



Bước 1, 2, 3 gồm xử lý cỏ dại, làm mặt bằng, bổ sung đất màu trồng cỏ.

Bước 4: Kỹ thuật trồng cỏ nhật bằng phương pháp rải thảm

Phương pháp chung: Rải cỏ nguyên thảm phủ kín hết toàn bộ diện tích cần trồng.

Phương pháp này mang lại hiệu quả trang trí tức thì, đẹp tự nhiên ngay khi mới trồng xong giống như một thảm cỏ đã được trồng và chăm sóc trước đó từ lâu.

Tuy nhiên phương pháp này lại tốn cỏ giống hơn phương pháp trồng xé rất nhiều.

Cũng giống như cách trồng cỏ xé, đầu tiên rải tro trấu lên toàn bộ diện tích trồng cỏ.

Mỗi tấm cỏ giống khi cấp xuống công trình thường có diện tích 0,5*1m và được cuộn lại. 1m2 cỏ giống khi trồng rải thảm được khoảng 1,2m2.

Đặt cuộn cỏ giống lên khu vực cần trồng, tháo dây buộc và mở cuộn cỏ giống ra trải đều lên diện tích cần trồng. Rải các tấm cỏ giống sát nhau tạo một thảm cỏ liên tục.

Khi rải xong hết cỏ nhật lên diện tích cần trồng, tương tự như trồng cỏ xé lấy tro trấu và mụn xơ dừa rải lên trên cỏ. Tưới đẫm cỏ và dùng đầm gỗ đầm cho rễ cỏ dính xuống đất.

Chăm sóc cỏ nhật (cỏ nhung nhật)

Cỏ nhật có sức đề kháng cao, khả năng bị sâu bệnh ít nên ít phải phun thuốc hóa học. Bạn chỉ cần phun thuốc trừ nấm cho cỏ sau mỗi lần cắt thảm cỏ là được.

Bệnh thường gặp nhất ở cỏ nhật là bệnh nấm gây chết từng đám. Khi bệnh nặng bạn nên đào bỏ lớp cỏ nhung bị bệnh đi, lấy vôi bột rải lên đất để trong 3-4 ngày rồi trồng lại bằng cỏ nhật mới. Nếu bệnh nhẹ hơn, hoặc khi bệnh mới xuất hiện dùng các loại thuốc chuyên trừ chuyên nấm phun cho cỏ như Anvil 5SC, COC 85WP ...

Cỏ nhật có tốc độ phát triển khá chậm, thường 3-4 tháng mới cần cắt cỏ một lần. Do thân cỏ dai nên cắt cỏ nhung khó hơn các loại cỏ công trình khác, kỹ thuật cắt cỏ nhung cũng đòi hỏi phải cao hơn so với cắt các loại cỏ khác.

Sau mỗi lần cắt thảm cỏ nên dùng thuốc Anvil 5SC hoặc COC 85WP phun phòng trừ nấm cho cỏ và bón thêm phân để cỏ phục hồi nhanh hơn. Phân bón thường dùng là DAP hoặc NPK 2kh/100m2.


Nguồn : internet / Tổng hợp : KTS.Phạm Duy

1 view0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page