top of page

Cây bơ

Tên tiếng anh/Tên khoa học: Avocado

Nguồn gốc cây bơ

- Bơ có nguồn gốc đầu tiên ở tỉnh Puebla, Mexico với sự phát triển từ hàng trăm triệu năm trước, tiếp đó các giống bơ cổ được phát hiện tại Guatemala và quần đảo Antiles, những vùng này đều thuộc khí hậu nhiệt đới và thích hợp cho sự phát triển của cây bơ sau này.



- Hiện nay có rất nhiều chủng bơ quan trọng được lai tạo từ những giống bơ cổ, mỗi họ đều có những đặc tính riêng, tuy nhiên các giống bơ được sử dụng nhiều và đem lại hiệu quả kinh tế cao đa phần là những giống bơ thuộc họ Lauracea gồm:

  • Chủng Mexico thuộc loài Persea drymifolia

  • Chủng Guatemala thuộc loài Persea americana Mill

  • Chủng West Indian (Antilles) thuộc loài Persea americana Mill

Mỗi chủng loại bơ thường có những đặc tính khác nhau, từ đó thích hợp với những vùng sinh thái khác nhau.

Đặc điểm hình thái cây bơ

  • Thân cây bơ

- Bơ là cây thân gỗ có chiều cao từ 15 - 20m, được tính từ chiều cao cổ rễ đến điểm phân cành đầu tiên. Tùy vào giống cây được phát triển từ hạt hoặc chồi ghép mà chiều cao của thân cây cũng biến động.

- Thân cây bơ được phát triển từ hạt sẽ có thân thẳng đứng, cây phân cành khi đạt chiều cao từ 1 - 1,5 m và chiều cao phân cành sẽ phù thuộc vào điều kiện chăm sóc kiến thiết cơ bản như phân bón, nước tưới và cả chế độ bóng che.

- Thân cây bơ được phát triển từ cành ghép sẽ phụ thuộc vào điểm ghép nối liền giữa gốc ghép và chồi ghép nên chiều cao của cây bơ ghép thường thấp hơn, phân cành thấp.

  • Cành bơ

Cây bơ có hai loại cành chính là cành quả và cành vượt.

- Cành quả là những cành cho quả, nơi tập trung của hoa. Thông thường cành quả nằm ngang và có hoa tập trung ở đoạn cuối của cành.

- Cành vượt là những cành phát triển chiều cao của cây, giúp cây lớn lên và tăng khả năng sinh trưởng và phát triển cho cây, cành vượt thường nằm ở phía trên, theo phương thẳng đứng, cành vượt thường là những cành non và không ra hoa. - Tuy nhiên các cành phân nhánh từ cành vượt theo hướng nằm ngang sẽ là cành quả.

- Bạn cần phân biệt giữa cành quả và cành vượt trên cây bơ để tăng hiệu quả phân cành và tập trung dinh dưỡng để nuôi cành quả. Trường hợp những cành quả bị sâu bệnh và phát triển yếu chúng ta sẽ chú trọng đến phát triển cành vượt để khắc phục hiện tượng khuyết tán cho cây.

  • Lá bơ

- Lá bơ có rất nhiều hình dạng khác nhau như: hình elip, hình bầu dục, hình trứng, hình mũi dá, … Tùy vào chủng và giống mà lá cây sẽ thay đổi, màu sắc lá cũng thay đổi, thông thường thì mặt trên của lá có màu đậm hơn ở dưới.

- Chiều dài lá thường đạt 10- 30 cm, đối với lá thuộc chủng mexico khi vò lá sẽ có mùi hôi.

- Lúc con non lá thường có lông mịn, màu đỏ hoặc màu đồng. Đến khi lá trường thành sẽ có màu xanh láng và dài, gân lá rõ ràng.

  • Hoa cây bơ

- Cây Bơ ghép thường ra hoa và đậu quả sau 2 - 3 năm trồng.

- Cây Bơ ra rất nhiều hoa.

- Cây trưởng thành mang trên 1 triệu hoa nhưng chỉ khoảng 1% là đậu thành quả.

- Hoa nở rải rác suốt mùa hoa.



- Cá biệt có một số ít cây ra hoa 2 - 3 đợt, cho thu hoạch thêm quả trái vụ.

- Các chùm hoa Bơ ra ở đầu cành hoặc từ nách lá.

- Trên một hoa có đầy đủ bộ phận đực và cái nhưng chúng không hoạt động đồng thời. Mỗi hoa nở 2 lần, 1 lần nở đóng vai trò như hoa đực và 1 lần nở nữa đóng vai trò như hoa cái.

  • Quả bơ

- Thời gian mang quả trên cây tùy theo chủng và giống. Trong điều kiện nhiệt đới thời gian mang quả có thể kéo dài từ 5 đến 8 tháng.

- Quả Bơ non rụng nhiều sau khi đậu 2 - 3 tháng, nhất là vào đợt ra chồi lá đầu mùa mưa cạnh tranh dinh dưỡng với quả. Bón phân để giảm rụng quả vừa nuôi chồi lá.



- Để cây ra quả ổn định và chất lượng quả bảo đảm không nên cố giữ quá nhiều quả trên cây. Trong thời kỳ mang quả ổn định sau khi trồng 6 - 8 năm tuổi trở đi chỉ cần đạt năng suất 150 - 200 kg/cây.

- Tại một thời điểm trên cây có nhiều cỡ quả với độ già khác nhau.

- Quả Bơ già không chín mềm trên cây. Quả già sinh lý vẫn còn có thể tiếp tục đeo trên cây 2 - 4 tháng. Vì vậy có thế thu hoạch muộn để tránh những thời điểm quá nhiều Bơ trên thị trường.

- Phần ăn được của quả Bơ là thịt Bơ, chiếm khoảng 65 - 75% trọng lượng quả.

- Lớp vỏ ngoài bao bọc và bảo vệ thịt quả. Vỏ ngoài của quả dày và hơi sần sùi có lợi cho thu hoạch, vận chuyển và bảo quản. Khi Bơ già chín lớp vỏ này có màu xanh, xanh đậm, tím hoặc đen tùy theo từng chủng giống.

- Tùy theo từng chủng, giống mà quả Bơ có nhiều hình dạng khác nhau. Hình ảnh cho thấy những dạng quả được người tiêu dùng ưa chuộng. Các dạng quả đầu nhọn quá dài rất bất lợi cho thu hoạch, vận chuyển và bảo quản thường không được ưa chuộng.

- Quả Bơ ngon và hấp dẫn khi chín có thịt quả màu vàng, chắc, không xơ, hạt đóng khít với thịt quả nhưng dễ tách khỏi thịt quả.

Đặc điểm các chủng loại bơ


Chủng Mexico (Mexican) có nguồn gốc từ vùng núi cao của Mexico và có khả năng chịu lạnh tốt



- Lá có màu xanh lục, mặt dưới màu nhạt hơn mặt trên và lá thường có mùi hôi anique khi bị vò nát.

- Hình dạng quả: hình thon dài giống quả lê, đu đủ.

- Hàm lượng chất béo đạt 15- 30%.

- Vỏ quả mỏng, bóng hơn khi chín, khi chín có màu xanh, vàng xanh hoặc đỏ tím.

- Hạt quả lớn, vỏ hạt mỏng và bề ngoài hạt trơn láng. Hạt chặt với phần thịt nên khi lắc thường không kêu.

- Thời gian từ khi ra hoa đến khi quả chín từ 8- 9 tháng.

- Chất lượng quả tốt, năng suất cao.

- Những giống nổi bật: giống Fuerte và giống Zutano, đây là những con lai giữa giống Mexico với Guatemala giúp tăng kích thước của quả và giúp vỏ quả nhẵn mịn hơn.


Chủng Guatemala có nguồn gốc từ vùng cao nguyên Mexico, chịu lạnh khá tốt.



- Lá có màu xanh thẫm, khi vò lá không có mùi hôi, đọt non màu đỏ tối.

- Hình dạng quả: quả thường hình tròn, hình thon dài. Cuống quả dài.

- Hàm lượng chất béo đạt 10- 15%.

- Vỏ quả dày và có sớ gỗ, da sần sùi, thô ráp khi chín thường có màu xanh lục hoặc nâu đen.

- Hạt nhỏ và gắn chặt vào phần thịt quả, bề ngoài hạt láng hoặc trơn láng.

- Thời gian từ khi ra hoa đến khi quả chín từ 9- 12 tháng.

- Chất lượng ngon.

- Những giống nổi bật: giống Hayes, giống Hopkins, giống bơ Hass.


Chủng West Indian (Antilles) có nguồn gốc từ Trung Mỹ, chịu lạnh kém nhưng lại có khả năng chịu nóng và chịu mặn cao.



- Lá to, có màu xanh đậm, màu sắc hai bên mặt lá tương đương nhau, khi vò lá không có mùi gì.

- Hình dáng quả: Quả to, dài, cuống trái ngắn. Vỏ trái ngắn và dai, hơi dày. Quả khi chín có màu hơi vàng.

- Hàm lượng chất béo đạt 3- 10 %, hạt quả lớn, không nằm sát vào quả nên khi lắc quả sẽ kêu. Hạy sần sùi, lớp vỏ hạt bao quanh không dính liền với hạt mà thường dính vào phần thịt quả.

- Thời gian từ khi quả ra hoa đến khi quả chín thường từ 6 – 9 tháng.

- Quả có chất béo thấp, vị nhạt ăn không bị ngán.

- Những giống nổi bật: Giống Pollock, giống Booth và giống Simmonds.


Phân bố cây bơ tại Việt Nam

Bơ là loại quả yêu cầu cao về thổ nhưỡng cũng như khí hậu để thích hợp để phát triển, hiện nay quả bơ thường được trồng nhiều ở khu vực tây nguyên và đạt hiệu quả kinh tế cao, những khu vực trồng bơ tiêu biểu gồm:

  • Vùng Đà Lạt: các loại giống thuộc chủng Mexico thường phân bố rộng tại đây nhờ khả năng chịu lạnh tốt.

  • Vùng Đức Trọng, Đơn Dương, Bảo Lộc: Đây là những vùng có tỉ lệ chủng Antilles cao nhất.

  • Vùng Di Linh: thích hợp với chủng Guatemala.

  • Vùng Đắk Lắk được xem là vùng chuyên canh bơ của Tây Nguyên với diện tích trồng bơ đạt 2.700 ha với 80.000 hộ dân, sản lượng hàng năm đạt 40.000 tấn.

Giá trị dinh dưỡng của quả bơ

- Quả bơ có chứa hơn 14 loại vitamin và khoáng chất bao gồm canxi, sắt, đồng, magiê, phốtpho, kali, natri, kẽm, mangan và selen.

- Quả bơ cũng rất giàu chất chống oxy hoá, có tác dụng ngăn ngừa hình thành các gốc tự do dẫn đến gây ung thư, đục thuỷ tinh thể, lão hóa da, giúp duy trì làn da săn chắc.

- Quả bơ còn là nguồn folate rất quan trọng đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh nở và đặc biệt quan trọng đối với thai kỳ ở những tuần đầu tiên vì 75% trẻ sơ sinh bị nứt đốt sống là do thiếu folate từ trong bụng mẹ.

- Bơ là một trong rất ít loại trái không có cholesterol, mà lại có chứa chất béo đơn không bão hòa, đây là loại chất béo tốt cho cơ thể giúp làm giảm hàm lượng cholesterol.

- Quả bơ có chứa hàm lượng protein cao nhất so với các loại quả khác, cao gần như tương đương với sữa. Ngoài ra, quả bơ còn có hàm lượng muối thấp, chất xơ cao, có hàm lượng lutein cao, có chất carotenoid tự nhiên giúp mắt sáng và duy trì một làn da đẹp.


Kỹ thuật trồng cây bơ


1. Đất trồng

Cây bơ trồng được ở nhiều loại đất nhưng thích hợp nhất ở đất đỏ bazan. Địa hình đất trồng bơ bắt buột phải thoát nước tốt, đây là lý do miền Tây Nam bộ khó phát triển được bơ. Độ pH đất từ 5 – 6, trên đất cà phê cần bổ sung vôi. Ở vùng đất quá dốc thì thiết kế theo đường đồng mức, tạo băng để hạn chế xói mòn.


2. Giống trồng

Cây bơ trồng từ hạt phân ly rất lớn trên nhiều tính trạng và chất lượng quả. Phải trồng cây ghép đúng giống tốt, cây sinh trưởng khỏe, chống chịu sâu bệnh, năng suất đạt cao, dạng quả và chất lượng quả đãm bảo được thị trường trong nước và phù hợp một số tiêu chuẩn xuất khẩu.


3. Mật độ, cách trồng

- Điều kiện trồng thuần bơ, thiết kế khoảng cách 8m x 7m hoặc 9m x 6m, trồng xen kết hợp che bóng, chắn gió cho cà phê thiết kế 9m x 9m hoặc 9m x 12m, vườn trồng mới cà phê nên hạn chế xen bơ ở khoảng trống nơi ngã tư


- Hố đào 60 x 60 x 60cm bón lót mỗi hố 15 – 20 kg phân chuồng hoai (bổ sung men vi sinh), 0,5kg lân Ninh Bình, rải 0,3 -0,5kg vôi.


- Dùng dao rạch vòng tròn bỏ đáy túi nilông, cắt bỏ những rễ mọc dài ra khỏi bầu đất, rạch dọc từ đáy lên 10cm, đặt mặt bầu thấp hơn mặt đất 5 cm có ngọn quay về hướng gió và lấp đất


½ bầu cây, rút túi ny lon từ từ kết hợp lấp và nén đất vào xung quanh bầu đất, nên xen kẽ các giống nhóm hoa A, B. Bơ mới trồng rất cần che nắng, cắm cọc.


4. Phân bón

- Cây con nên bón 4 -5 lần/năm, lượng bón tùy tuổi cây. Khi cây bắt đầu cho quả, nhu cầu phân Kali cao hơn, và lượng bón ổn định ở năm thứ 9, thứ 10. Các giai đoạn sinh trưởng của cây bơ mùa nghịch khác nhiều so với cây cà phê nên cần có chế độ dinh dưỡng cân đối theo tuổi và giai đọan.

- Cần bổ sung vôi và phân hữu cơ, phun bổ sung phân qua lá như phân bón lá cao cấp Alpha Super, Antonic, Thần Dược giai đoạn KTCB hoặc sau bón lần 1 và lần 3; Dùng Grow More trước và sau bón lần 4.


5.Tỉa cành tạo tán

Tiến hành 2 -3 lần/năm giai đoạn KTCB hoặc 1 lần sau thu hoạch, chú ý tỉa chồi của gốc ghép, tỉa những cành sâu bệnh sát đất, tỉa trống gốc nâng dần độ cao, tạo tán tròn đều thông thoáng đôi khi lệch về hướng gió lớn. Nên bỏ hoa ra trong năm đầu để cây đủ sức phát triển. Ơ cây còn nhỏ, chưa ổn định, điều kiện chăm kém, thiếu nước, tỉa không hợp lý đôi khi cây ra lệch mùa so với đặc tính giống!


6. Tưới và tủ gốc

- Cây bơ cần lượng nước vừa phải nhưng tưới nhiều lần. Có thể tưới 10-15 ngày/lần trong mùa khô kết hợp tủ gốc, không cần tưới quá đẫm hay đầy bồn, kết hợp bón 2 lần phân trong mùa khô.

- Việc tưới quá đẫm, sau đó để đất khô nứt sẽ làm đứt rể non, cây không phát triển hoặc chết.


7. Phòng trừ sâu, bệnh

Ở cây bơ, thiệt hại do bệnh nguy hiểm hơn sâu hại và nên quản lý theo hướng IPM (hạn chế dùng thuốc BVTV), nên tạo vườn thông thoáng, dọn sạch tàn dư, hạn chế ẩm ướt và phun thuốc phòng trị cục bộ.


7.1. Bệnh hại phổ biến

Bệnh Thối rể, nứt thân:

- Do nấm Phytophthrora cinamoni, ở các chân đất ẩm ướt, thủy cấp cao, nấm xâm nhập làm hư rể cọc, sau đó nấm lan tràn phá huỷ cả bộ rễ làm cây chết rụi. - Cây bị bệnh có tán lá xơ xác, lá đổi sang mầu xanh nhạt rồi rụng, cành chết dần từ ngọn xuống thân chính.

- Cần tránh ẩm ướt liên tục ở vùng rể; Phát hiện sớm những vết nứt dọc, xì mũ trên thân và thâm đen trong mạch gỗ.


Bệnh khô cành:

- Do nấm Colletotrichum cloeosporiodes, nấm xâm nhập vào trên cành làm cành khô chết. Trên trái đã già, nấm xâm nhập qua vết thương, làm trái bị nhũn (thường là ở phần cuối trái).

- Ngoài ra, bệnh còn do nắng nóng rọi trực tiếp trong thời gian dài, trường hợp này xuất hiện rất phổ biến ở những cây mới trồng ít lá.


Bệnh trên quả già : Nấm bệnh xâm nhập từ khi quả đang phát triển (đường kính 1-3cm) tạo ra các điểm đen nhỏ trên vỏ quả, ở các giống bơ Sáp nhìn khá rỏ vào thời điểm sắp thu hoạch những vết nứt nhỏ, hình dấu cộng trên vỏ quả, các điểm đen này nứt và tách ra, làm giảm mẫu mã và giá bán. Nhìn chung, cần tạo vườn thông thoáng, dọn sạch tàn dư, sau đậu trái nên phun thuốc phòng ngừa


7.2. Sâu hại phổ biến

- Côn trùng hại rể: Gồm các đối tượng thường thấy như mối, sùng, dế, kiến, đặc biệt là rệp sáp, tập trung ở tầng đất từ 0 – 50cm, cây bị bệnh có lá vàng nhạt, cây suy dễ chết.

- Bọ xít: Gồm 2-3 loài, chích hút nhựa đọt non, lá non làm héo và chùm đọt, đặc biệt là trái non tạo ra các chấm đen trên vỏ quả và nhiều hạt chai cứng trong thịt quả, mật số cao sẽ làm rụng nhiều quả, là cửa ngõ xâm nhập của nhiều loại nấm bệnh, làm giảm rất rỏ năng suất và chất lượng quả.

- Mọt đục thân cành:

Xuất khá phổ biến trên các vườn bơ, tạo nhiều lổ đục nhỏ trên thân, cành (khác với sâu đục cành) với lớp phấn trắng ở lổ đục (có thể là nấm) xuất hiện từ giữa mùa mưa khá rộ vào đầu đến giữa mùa khô, lổ đục tuy nhỏ và đường đục ngắn nhưng làm giảm quá trình sinh trưởng, phát triển và cành dễ gãy.


8. Thu hái & vận chuyển theo tiêu chuẩn


Dụng cụ: Gồm sào thu hái gắng với túi hái có lưỡi cắt, bao, bạt gom quả, kéo cắt cành, sọt chuyên chở và tấm lót


Xác định độ già thu hoạch

Cây bơ ra nhiều đợt hoa, để đảm bảo chất lượng, vụ bơ nên thu hoạch từ 2 – 4 đợt quả, xác định qua nhiều đặc điểm bên ngoài và bên trong

- Bắt đầu có một vài quả già rụng

- Vỏ quả chuyển màu tím hay xanh nhạt hơn, độ bóng thay đổi, có nhiều u cám hay sần hơn

- Âm thanh phát ra khi lắc quả (hạt lỏng)

- Vỏ lụa, vỏ hạt khô, dai và chuyển sang màu cánh dán

- Màu thịt quả vàng hơn

- Xác định qua hàm lượng % chất khô


Phân loại, vận chuyển

Cắt cuống còn 5mm, phân loại sơ bộ thành 2–3 loại, xếp vào sọt riêng hay theo lớp riêng, lót carton, rơm để chống sốt, trày sướt, che đậy giỏ bơ bằng bạt gom quả.


Nguồn : internet / Tổng hợp : KTS.Phạm Duy



3 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page